Cần biết khi thuê Luật sư

Share

Cuộc sống phát triển, đời sống kinh tế phức tạp, nhiều tranh chấp bất đồng xẩy ra cần đến sự điều chỉnh của pháp luật. Cũng theo đó, nghề luật sư cũng phát triển theo. Ngày nay, không chỉ ở các thành phố lớn, mà ngay tại Quảng Ninh, bạn cũng có thể dễ dàng thuê luật sư để tư vấn pháp luật hay bảo vệ bạn trong các tranh chấp pháp lý. Tuy nhiên, để lựa chọn  được một luật sư có năng lựcvà đạo đức nghề nghiệp, thật sự tận tâm với công việc là điều không dễ, thậm chí rất khó.

Không ít người đã phải “ăn trái đắng”, “tiền mất, tật mang” khi chọn và thuê nhầm luật sư làm việc vì tiền, không tận tâm hết lòng vì khách hàng. Điều này một phần làm xấu đi tình trạng của khách hàng, phần khác cũng làm hình ảnh của người luật sư xấu đi trong mắt xã hội.

TẠI SAO CHỌN LUẬT SƯ KHI THUÊ LUẬT SƯ LẠI KHÓ NHƯ VẬY

Khi bạn mua một món đồ, bạn có thể cảm quan được, mắt nhìn, tay sờ chính xác sản phẩm mình sẽ nhận được là gì, chất lượng ra sao với những thông số kỹ thuật, thời hạn giao hàng… và sự cam kết rõ ràng, minh bạch của nhà cung cấp, thậm chí bạn còn được dùng thử trước khi mua.

Nếu sản phẩm có khiếm khuyết, bạn sẽ được đổi sản phẩm khác hoặc được bảo hành. Nếu nhà cung cấp không thực hiện đúng cam kết, bạn có thể khởi kiện  ra tòa và họ sẽ phải bồi thường cho bạn

Nhưng không giống như bạn mua sản phẩm, dịch vụ trên, khi bạn lựa chọn luật sư để bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho bạn trong một vụ án, quy tắc đạo đức nghề nghiệp không cho phép luật sư hứa hẹn, cam kết về kết quả của vụ việc bạn yêu cầu;

Bởi lẽ luật sư không có quyền trong việc quyết định bản án. Nếu luật sư nào hứa hẹn, cam kết với bạn, có nghĩa rằng họ đã vi phạm đạo đức nghề nghiệpcó thể đang lừa dối bạn hoặc đơn giải là huyễn hoặc bạn.

Khi kết quả vụ án không đúng như cam kết (nếu có) của luật sư thì bạn cũng không thể khởi kiện yêu cầu họ bồi thường bởi sự cam kết này không được pháp luật thừa nhận.

Người luật sư hành nghề tại Việt Nam chỉ có một đảm bảo với khách hàng đó là mọi ý kiến tư vấn của họ dành cho bạn đề có căn cứ và không trái pháp luật. Thật tồi tệ, khi một luật sư lại đưa ra ý kiến không đúng pháp luật.

Mặt khác, khi bạn tìm kiếm luật sư là tìm kiếm những kỹ năng, hiểu biết pháp lý mà bạn không có điều kiện tìm hiểu. Do vậy, bạn rất khó để kiểm soát chất lượng dịch vụ luật sư. Trong cùng một vụ việc, nếu chọn được một luật sư có đạo đức, tận tâm với công việc, họ sẽ trăn trở với những khó khăn, vướng mắc của bạn; họ tích cực nghiên cứu hồ sơ để củng cố chứng cứ bảo vệ bạn; họ có thể thức trắng đêm để nắn nót từng câu chữ trong việc soạn thảo đơn từ, văn bản gửi các cơ quan chức năng giúp bạn.

Nhưng nếu bạn chọn nhầm phải một luật sư thiếu trách nhiệm, họ sẽ làm qua loa cho xong việc. Với họ, dù không cần nghiên cứu hồ sơ thì cũng chỉ cần vài phút là có thể soạn xong một văn bản/ viết xong cho bạn một lá đơn, nhưng vấn đề là bạn sẽ nhận được gì từ những văn bản/lá đơn viết qua loa như thế? Họ sẽ bảo vệ bạn thế nào khi không nghiên cứu hồ sơ? Bạn rất khó để phát hiện ra việc này, hoặc nếu có thì cũng chỉ là sự cảm nhận, bạn không thể quy trách nhiệm cho họ.

Ngoài ra, còn một kiểu hành nghề luật sư không mấy tốt đẹp đó là việc luật sư lợi dụng những mối quan hệ với cơ quan pháp luật, mua chuộc, hối lộ hộ khách hàng cho những người cán bộ công chức Nhà nước.

Đổi lại người luật sư sẽ tìm cách hưởng phần chênh lệch. Ta thường gọi là “Luật sư chạy án”. Điều này là cực kỳ nguy hiểm với sự nghiệp của người luật sư cũng như cho chính khách hàng nếu việc chạy án bị vỡ nở.

Cái khó của việc lựa chon luật sư chính là việc không ai có thể đưa ra một tiêu chí cụ thể để đo lường và ràng buộc trách nhiệm của luật sư trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ pháp lý. Trong khi để Luật sư ký hợp đồng, thường bạn sẽ phải thanh toán phí dịch vụ ngay khi ký kết hợp đồng. Và dù kết quả vụ án thế nào, thắng hay thua thì bạn cũng phải thanh toán đầy đủ và không được hoàn lại số tiền đã trả cho luật sư.

Bạn không có nhiều cơ hội để phản biện, chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp phần nhiều phụ thuộc vào lương tâm và đạo đức của chính luật sư mà bạn lựa chọn. Nếu không bạn sẽ vừa bị rắc rối với vụ việc của mình, vừa bị rắc rối với người luật sư bạn thuê để xử lý cái rắc rối bạn gặp trước đó.

HIỂU ĐÚNG VỀ VAI TRÒ LUẬT SƯ KHI THUÊ LUẬT SƯ

Nói như vậy, không có nghĩa mọi luật sư đều xấu hết. Cũng nhiều trường hợp khách hàng có thái độ, suy nghĩa không đúng đối với người và nghề luật sư, như Luật sư chẳng làm gì, chỉ nói dăm câu ba điều, viết đôi ba lá đơn đã thu tiền hàng mấy chục, có khi đến mấy trăm triệu đồng..v.v. Điều này làm tổn thương rất nhiều đến những người luật sư hành nghề chân chính.

Điều mà khách hàng không biết rằng để nói ra một điều, viết ra một dòng người luật sư phải qua nghiên cứu một khối lượng lớn các quy định pháp luật, các hồ sơ tài liệu chứng cứ, tình tiết có liên quan đến vụ việc của khách hàng.

Bạn không nhờ đến luật sư thì ăn không ngon, ngủ không yên, lo toan về đủ thứ chuyện, từ lý lịch, danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại, tài sản bị xâm hại trái pháp luật .v.v. Bạn nên nhớ:

Khi mọi thứ chống lại bạn thì Luật sư vẫn đứng bên bạn 

CẦN LƯU Ý GÌ KHI QUYẾT ĐỊNH ĐI THUÊ LUẬT SƯ?

Trực tiếp lựa chọn luật sư: Khi bạn ký kết hợp đồng với một Văn phòng luật sư hay Công ty luật nào đó thì không có nghĩa là công ty luật đó sẽ trực tiếp giúp bạn. Họ sẽ cử một luật sư đảm nhận và bảo vệ bạn trước tòa. Bạn không nên giao phó việc lựa chọn luật sư này cho ai mà hãy yêu cầu công ty luật nơi bạn liên hệ cung cấp thông tin chi tiết về luật sư mà họ dự định phân công. Chỉ nên ký hợp đồng sau khi bạn trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và cảm thấy thật sự an tâm, tin tưởng vào nhân cách cùng hướng giải quyết vụ việc luật sư này.

Cảnh giác trước những lời hứa hẹn, cam kết về kết quả vụ án: Nếu bạn nghe những lời hứa về thời gian và kết quả giải quyết vụ án thì đừng vội tin những lời hứa đó. Một vụ án có thể sẽ phải qua nhiều cấp xét xử. Luật sư hay thậm chí cả thẩm phán cũng không có quyền quyết định bản án. Thẩm quyền này thuộc về hội đồng xét xử.

Bạn cần phân biệt rõ dịch vụ luật sư với các dịch vụ khác. Nếu như bạn thuê dịch vụ khác bạn được yêu cầu kết quả như ý bạn, nhưng với dịch vụ luật sư bạn chỉ có thể yêu cầu Luật sư các ý kiến tư vấn, việc làm, hành vi pháp lý đúng hoặc có căn cứ pháp luật.

Hiểu và thỏa thuận rõ nội dung công việc, thời gian sử dụng dịch vụ và chi phí khi thuê dịch vụ: Một hợp đồng dịch vụ pháp lý thường có điều khoản về đối tượng công việc luật sư sẽ làm cho bạn. Bạn cần lưu ý vấn đề này. Thông thường công việc của Luật sư sẽ là 03 việc chính sau: tư vấn, bảo vệ quyền lợi hoặc đại diện quyền lợi. Ba việc này có tính chất pháp lý khác nhau. Mặt khác, công việc của Luật sư làm cho bạn sẽ trong một thời gian cụ thể, có thể nói rõ là bao nhiêu lâu (bằng đơn vị thời gian), nhưng cũng có trường hợp thỏa thuận là một sự kiện pháp lý nào đó xảy ra trong tương lai đánh dấu việc chấm dứt công việc của Luật sư (như khi có bản án có hiệu lực của tòa, khi có quyết định giải quyết cuối cùng, v.v.).

Cuối cùng bạn cần biết rõ về mức chi phí, thù lao khi thuê Luật sư. Thông thường là một khoản tiền cố định nộp ngay khi ký hợp đồng. Song cũng có thể là một tỷ lệ phần trăm tính trên mức độ thành công của vụ việc mà Luật sư giúp bạn.

Chú ý đến đạo đức của luật sư: Khi tìm luật sư, hẳn mọi người thường nghĩ ngay đến việc phải tìm luật sư giỏi, điều này hoàn toàn đúng. Nhưng bạn có thể phạm phải một sai lầm lớn nếu không quan tâm tìm hiểu về nhân thân, đạo đức của luật sư đó. Một luật sư giỏi sẽ chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí bạn còn bị thiệt hại và tốn kém nhiều hơn nếu đó là một luật sư thiếu nhân cách. Một luật sư uy tín mà bạn có thể tin cậy sẽ là giải pháp an toàn và tối ưu nhất và không bao giờ nói dối bạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc thêm

Cùng chủ đề