Tình huống hiểu sai về lương thử việc: Đây là câu chuyện có thật được đăng tại tạp chí CỬ NHÂN LUẬT THỜI NAY, ngày 31/6/2016.
Nhà tuyển dụng: Tại sao em đề xuất mức lương thử việc là 4.250.000 đồng, chính thức là 5.000.000 đồng?
Cử nhân Luật: Em nghĩ, với sinh viên mới ra trường như bọn em thì lương chính thức chừng 5.000.000 đồng là được.
Nhà tuyển dụng: Vậy sao em đề xuất lương thử việc nó lẻ thế, sao không để là 4.000.000 đồng?
Cử nhân Luật: Em đề xuất như thế để đảm bảo lương thử việc bằng 85% lương chính thức, chứ 4.000.000 đồng là chưa được 85%.
Nhà tuyển dụng: Nếu giờ Công ty trả lương thử việc cho em 5.000.000 đồng và chính thức là 7.000.000 đồng thì Công ty có vi phạm pháp luật hay không?
Cử nhân Luật: Tất nhiên là Công ty vi phạm pháp luật, vì lương thử việc nhỏ hơn 85% lương chính thức, trái với Điều 28 của Bộ luật Lao động 2012.
Nhà tuyển dụng: Vậy giờ em thích lương thử việc 4.250.000 đồng, chính thức 5.000.000 đồng (đúng luật) hay thử việc 5.000.000 đồng, chính thức 7.000.000 đồng (trái luật)?
Cử nhân Luật: Dạ! Em thích trái luật.
Nhà tuyển dụng: Ở đây không có gì là trái luật mà chỉ có em hiểu sai.
Theo các bạn, cách hiểu về lương thử việc trong tình huống trên sai ở đâu?. Chúng ta cùng tìm hiểu theo quy định của pháp luật.
Quy định của pháp luật
Theo Điều 28 Luật Lao động 2012 về tiền lương trong thời gian thử việc quy định:
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Ở quy định này, các bạn nên để ý những thuật ngữ là “tiền lương”, “mức lương”.
Nội dung chính của quy định là tiền lương thử việc bằng 85% mức lương của “công việc đó – Hiểu là công việc chính thức tương tự do một người lao động chính thức thực hiện).
Theo khoản 1, Điều 90 Luật Lao động 2012 quy định:
1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tiền lương chính thức = mức lương + phụ cấp + các khoản khác (nếu có).
Theo của Điều 7, Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định về thang bảng lương:
1. Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ.
2. Bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất, số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.
Mức lương được người sử dụng chủ động xây dựng và được phản ánh trong thang bảng lương, không thấp hơn mức lương tối thiểu của chính phủ ban hành.
Lương TV = 85% x Mức lương theo công việc trong bản lương.
Nếu gộp hai công thức vào sẽ như sau:
Lương chính thức ≥ (Lương thử việc : 0,85) + Phụ cấp + các khoản khác.
Như vậy việc người sử dụng lao động trả lương thử việc 5.000.000 đồng, chính thức 7.000.000 đồng là hoàn toàn có cơ sở.
Và bạn không thể kết luận người sử dung lao động đúng hay sai khi không biết thang bảng lương của họ quy định mức lương dành cho công việc bạn được thử là bao nhiêu, bằng bao nhiêu % so với lương thử việc của bạn.
Vì vậy nói : “Tất nhiên là Công ty vi phạm pháp luật, vì lương thử việc nhỏ hơn 85% lương chính thức, trái với Điều 28 của Bộ luật Lao động 2012” là sai bản chất.